Mắt Kính SHADY - CHUYÊN GIA KÍNH CẬN

Bệnh mù màu là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục

Bệnh mù màu là một bệnh về mắt làm cho người bệnh có thể nhìn rõ mọi vật nhưng không thể phân biệt được một số màu sắc. Bệnh lý này không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của con người nên những người bị bệnh vẫn có thể sinh sống bình thường nhưng gen bệnh có khả năng lan rộng trong xã hội. 

Vậy bệnh mù màu là gì? Nguyên nhân và cách chữa trị bệnh lý này ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của chúng tôi.

benh mu mau la gi

I. Bệnh mù màu là gì?

Bệnh mù màu (hay còn gọi là bệnh rối loạn sắc giác) là tình trạng mắt không có khả năng phân biệt được màu sắc của vật (như màu xanh lá, màu đỏ, xanh biển) hoặc khi trộn giữa các màu này với nhau.

Người bệnh mù màu vẫn có thể nhìn rõ vật, nhưng khả năng nhận biết màu sắc của họ bị giảm, trường hợp không thể nhìn thấy bất kỳ màu nào rất hiếm gặp. Do vậy, nó không ảnh hưởng đến khả năng sinh sống cũng như sinh sản của người bệnh, tuy nhiên gen bệnh này có thể di truyền cho thế hệ sau.

Sự phân tích màu sắc ở mắt chủ yếu do các tế bào nón đảm nhận, đây là những tế bào tập trung trong hố trung tâm của võng mạc. Khi các tế bào nón mất khả năng phân biệt màu sắc sẽ gây ra rối loạn sắc giác (bệnh mù màu).

II. Các nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh mù màu

1. Do rối loạn di truyền

Bệnh mù màu là một bệnh di truyền có liên quan đến cặp nhiễm sắc thể giới tính (cặp này ở nam là XY, ở nữ là XX). Bệnh phát sinh do đột biến hay thiếu một gen trên nhiễm sắc thể X, làm rối loạn tế bào cảm thụ ánh sáng ở mắt dùng để phân biệt màu sắc, gen này là “gen lặn”. 

Nam giới nào nhận được ở mẹ loại gen này thì không thể phân biệt được màu sắc, do nhiễm sắc thể Y không có gen màu sắc trội để lấn át gen mù màu.

Còn nữ giới chỉ mắc bệnh này nếu có 2 gen mù màu: 1 của bố và 1 của mẹ mắc bệnh truyền cho. Nếu nữ giới chỉ có một gen bệnh thì không sao, vì gen màu sắc ở nhiễm sắc thể còn lại đủ át gen bệnh. Chính vì vậy, các thống kê đều cho thấy tỷ lệ nam giới mắc chứng mù màu cao hơn nhiều so với nữ giới.

2. Do mắc các bệnh lý

Một số bệnh có thể làm thâm hụt màu như bệnh tiểu đường, bệnh tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bệnh bạch cầu, nghiện rượu mãn tính và thiếu máu hồng cầu hình liềm… Lúc này, mắt có thể hoạt động và nhận diện tốt hơn nếu các bệnh tiềm ẩn được điều trị.

3. Do sử dụng một số loại thuốc

Một số thuốc có thể làm thay đổi việc nhận diện màu sắc của mắt, ví dụ như thuốc dùng để điều trị bệnh tim, nhiễm trùng, cao huyết áp, rối loạn thần kinh và các vấn đề tâm lý.

4. Do lão hóa

Khả năng nhìn thấy màu sắc của mắt sẽ xấu đi từ từ như một phần của sự lão hóa.

5. Do tiếp xúc hóa chất độc hại

Khi tiếp xúc với một số hóa chất mạnh tại nơi làm việc như phân bón, disulfua cacbon và styrene có thể gây mất màu sắc thị giác dần dần qua nhiều ngày.

III. Có những loại bệnh mù màu nào?

1. Mù màu đỏ – xanh lá

Tình trạng này xảy ra khi các tế bào hình nón màu đỏ hoặc màu xanh lá không hoạt động đúng, hoặc không hoạt động. Có một số loại sau:

- Mù xanh lá nhẹ: Đây là dạng mù màu phổ biến nhất nhưng hiếm gặp ở nữ giới, ảnh hưởng đến 5% nam giới. Nó xảy ra khi tế bào hình nón màu xanh lá không hoạt động bình thường. Khi đó màu vàng và màu xanh lá nhìn đỏ hơn, và khó có thể phân biệt màu xanh từ màu tím.

- Mù màu đỏ nhẹ: Xảy ra khi tế bào hình nón màu đỏ không hoạt động bình thường. Màu cam, đỏ và vàng nhìn xanh hơn, và màu sắc kém tươi sáng hơn. Tình trạng này nhẹ và không gây ra vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Đây là dạng mù màu rất hiếm gặp ở nữ giới và ảnh hưởng đến khoảng 1% nam giới.

- Mù màu đỏ: Xảy ra khi không có tế bào hình nón màu đỏ hoạt động. Màu đỏ sẽ nhìn thành màu xám đen. Trong khi một số sắc thái của màu cam, vàng và xanh lá nhìn giống màu vàng. Tình trạng này rất hiếm ở nữ giới và ảnh hưởng đến khoảng 1% nam giới.

- Mù xanh lá: Xảy ra khi không có tế bào hình nón màu xanh lá hoạt động. Màu đỏ có thể giống màu vàng nâu và màu xanh lá có thể giống màu be. Tình trạng này ảnh hưởng đến 1% nam giới và hiếm gặp ở nữ giới.

2. Mù màu xanh lam – vàng

Tình trạng này là loại phổ biến thứ hai với tỷ lệ 1/10.000 người trên toàn thế giới. Loại mù màu này ảnh hưởng đến nam và nữ bằng nhau. Nó xảy ra khi các tế bào hình nón màu xanh lam bị thiếu hoặc không hoạt động chính xác. Có một số loại sau: 

- Mù màu xanh lam - vàng nhẹ: Xảy ra khi các tế bào hình nón màu xanh lam hoạt động hạn chế. Màu xanh lam giống màu xanh lá hơn và khó có thể nhìn thấy màu hồng từ màu vàng và đỏ.

- Mù màu xanh lam – vàng: Xảy ra khi không có tế bào hình nón màu xanh lam. Màu xanh lam nhìn giống màu xanh lá và màu vàng nhìn giống màu xám nhạt hoặc tím.

3. Mù màu hoàn toàn

benh mu mau la gi

Bạn sẽ không thể thấy bất kỳ màu nào và tầm nhìn của bạn có thể không rõ ràng khi mắc bệnh mù màu này. Có hai loại mù màu hoàn toàn như sau:

- Mù màu hoàn toàn hình nón: Xảy ra khi 2 trong số 3 tế bào hình nón (đỏ, xanh lá hoặc xanh lam) không hoạt động. Khi chỉ có một loại hình nón hoạt động, nó sẽ khó phân biệt màu từ một màu khác. Và nếu một trong những tế bào hình nón của bạn bị lỗi có màu xanh lam, tầm nhìn của bạn sẽ không rõ ràng. Bạn có thể bị cận thị và bị cử động mắt không kiểm soát. Đây là chứng giật nhãn cầu.

- Mù màu hoàn toàn hình que: Đây là dạng mù màu trầm trọng nhất. Không có tế bào hình nón nào của mắt có sắc tố nhạy cảm với ánh sáng hoạt động. Khi đó bạn chỉ có thể nhìn thấy màu đen, trắng và xám và ánh sáng rực rỡ sẽ làm tổn thương đôi mắt của bạn. Bạn có thể bị chứng giật nhãn cầu (cử động mắt không kiểm soát được).

IV. Phân loại các mức độ khác nhau của bệnh mù màu

Có nhiều mức độ mù màu khác nhau như:

  • Mù màu nhẹ: Có thể nhìn thấy màu sắc bình thường trong điều kiện ánh sáng tốt nhưng gặp khó khăn khi ánh sáng mờ.
  • Mù màu nặng hơn: Không thể phân biệt màu sắc nhất định trong bất kỳ điều kiện ánh sáng nào.
  • Mù màu nghiêm trọng nhất (rất hiếm gặp): Mọi thứ được nhìn thấy trong sắc thái của màu xám. Bệnh mù màu thường ảnh hưởng đến cả hai mắt giống nhau và duy trì ổn định trong suốt cuộc đời.

V. Triệu chứng thường gặp giúp nhận biết người mù màu 

Triệu chứng nhận biết người mù màu là nhìn thấy màu sắc không giống với những người xung quanh. Những dấu hiệu mù màu có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể không biết mình mù màu, phụ huynh chỉ nhận biết trẻ mù màu khi trẻ bắt đầu học về màu sắc.

benh mu mau la gi

Các dấu hiệu nhận biết người mù màu như sau: 

  • Dùng sai màu khi vẽ, tô màu.
  • Đau mắt khi nhìn vào màu. 
  • Không phân biệt được một số màu sắc nhất định, những màu sắc khác vẫn phân biệt được bình thường.
  • Ở mức độ nhẹ, người mù màu gặp khó khăn khi phân biệt màu xanh lá - đỏ; xanh dương - vàng. Ở mức độ nặng, người mù màu không biệt được các loại màu sắc với nhau.
  • Mức độ nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể không nhìn thấy bất kì màu sắc nào, chỉ nhìn thấy mọi thứ là màu xám. Đây còn được gọi là hội chứng rối loạn thị giác di truyền - Achromatopsia. Ước tính trên toàn thế giới, cứ 30.000 người sẽ có 1 người mắc hội chứng này. 

VI. Chẩn đoán, kiểm tra mù màu bằng cách nào?

1. Kiểm tra mù màu định tính

Để kiểm tra mù màu định tính, có thể sử dụng phương pháp Ishihara bằng cách cho người bệnh nhìn vào bảng và nói ra con số mình nhìn thấy. Dựa trên kết quả, bác sĩ sẽ chẩn đoán kết quả. Với trẻ chưa biết đọc chữ và đọc số sẽ có bảng đặc biệt sử dụng để chẩn đoán mù màu. 

benh mu mau la gi

Ngoài ra, khi kiểm tra bằng phương pháp Ishihara cần lưu ý, thị lực bệnh nhân phải trên 6/60 (1/10), đảm bảo ánh sáng tốt, thăm khám từng mắt, thời gian nhìn từ 3 - 5 giây. Bảng cần đặt vuông góc với trục thị giác, cách bệnh nhân 75cm.

Dựa trên Ishahara, thấu kính EnChroma giúp xác định mức độ và loại mù màu của một người cũng như phân loại dành cho người lớn và trẻ em từ 5 tuổi trở lên. 

2. Kiểm tra mù màu định lượng

Để phân tích khả năng nhận biết chính xác màu sắc của người bệnh, bác sĩ sử dụng phương pháp Farnsworth-Munsell 100. Kỹ thuật này giúp phát hiện bệnh mù màu và mức độ nghiêm trọng của người mù màu. 

Bài kiểm tra Farnsworth-Munsell 100 gồm 4 khay với nhiều đĩa nhỏ có các màu sắc khác nhau. Người tham gia cần sắp xếp các đĩa màu theo thứ tự màu sắc tăng dần. Mỗi đĩa màu sẽ đươc đánh số phía dưới đáy để dễ dàng kiểm tra kết quả, nếu màu sắc sắp xếp càng giống mẫu, kết quả chẩn đoán sẽ chuẩn xác. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác, bài kiểm tra này phải được thực hiện ở nơi có ánh sáng gần với ánh sáng tự nhiên nhất. 

benh mu mau la gi

Ngoài hai cách trên, mù màu còn có thể kiểm tra trực tuyến thông qua các thiết bị thông minh. Tuy nhiên, việc kiểm tra trực tuyến có thể dẫn đến sai sót, vì thế, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám, tư vấn và điều trị các bệnh về mắt hiệu quả nhất. 

VII. Tỷ lệ nam và nữ khi mắc bệnh mù màu là bao nhiêu?

Theo ước tính của chuyên gia, bệnh mù màu ảnh hưởng đến khoảng 1/12 nam giới (8%) và 1/200 phụ nữ (0,5%). Như vậy, có ít nhất một người trong nơi bạn sinh sống bị mắc bệnh lý này và hầu hết trong số đó là nam giới. 

benh mu mau la gi

Trong đó trường hợp phổ biến nhất là mù màu đỏ - xanh lá, nó được mã hóa trên nhiễm sắc thể X và có liên kết giới tính. Cũng chính vì thế mà bệnh mù màu đỏ - xanh lá chỉ được truyền từ mẹ sang con trai, người bố không bao giờ truyền bệnh mù màu này cho con.

    VIII. Các biện pháp khắc phục bệnh mù màu hiệu quả

    Bệnh mù màu di truyền không thể chữa khỏi, trong khi bệnh nhân bị mù màu do thuốc hoặc biến chứng từ các bệnh khác có thể chữa trị được. Ngoài ra, điều trị căn bệnh gây ra mù màu có thể làm thuyên giảm chứng mù màu.

    Bên cạnh việc điều trị, các nhà khoa học đã phát minh ra kính lọc màu sắc nhằm hỗ trợ khả năng phân biệt màu sắc của người bị mù màu. Loại kính này tuy không thể chữa khỏi bệnh nhưng sẽ giúp người bệnh có thể phân biệt màu sắc và làm giảm độ chói sáng giúp phân biệt màu sắc dễ dàng hơn.

    Đeo kính áp tròng có màu sắc cũng là cách giúp phân biệt được màu, tuy nhiên màu sắc không tự nhiên và có thể làm méo mó hình ảnh được nhìn thấy.

    Ngoài ra, bạn có thể khắc phục bệnh mù màu bằng cách ghi nhớ vị trí quy ước của màu như đối với đèn giao thông, có thể giúp ích cho người bị mù màu khi tham gia giao thông trên đường.

    IX. Các cách phòng tránh bệnh mù màu chính xác

    • Điều trị các bệnh nội khoa có thể dẫn đến mù màu như tim mạch, tiểu đường, tăng nhãn áp,…
    • Kiểm tra sức khỏe và bộ nhiễm sắc thể trước khi lập gia đình để kiểm tra có ai bị bệnh không, tránh truyền bệnh sang con cái
    • Khi tiếp xúc hóa chất cần có đồ bảo hộ cho mắt.
    • Tránh các chấn thương vùng mắt và vùng đầu, chấn thương dễ gây tổn thương thị giác.
    • Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ/ dược sĩ.
    • Tham khảo ý kiến của bác sĩ khi xuất hiện những vấn đề bất thường về thị lực.

    benh mu mau la gi

    Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh mù màu cũng như phương pháp điều trị lý này mà Mắt kính Shady chia sẻ đến bạn. Nếu bạn nhận thấy có một sự thay đổi đáng kể trong nhận thức màu sắc thì nên gặp bác sĩ nhãn khoa sớm để có phương pháp điều trị thích hợp.

    ← Bài trước Bài sau →
    Bài viết liên quan